Trong sự kiện 11/09/2001, cậu bé Noam, 5 tuổi, đã chứng kiến cảnh chiếc máy bay đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới từ cửa sổ phòng học của bé. Trong buổi sáng hôm đó, Noam cùng bố và anh trai cũng như hàng chục ngàn người khác đã phải chạy qua đống đổ nát, tro tàn và khói bụi để thoát thân. Sau hôm đó một ngày, Noam đã vẽ một bức tranh mô tả lại những gì bé đã nhìn thấy: một chiếc máy bay đâm vào tháp, một quả cầu lửa, lính cứu hỏa, và những người nhảy từ cửa sổ tòa tháp. Nhưng điều đặc biệt là, ở phía dưới cùng của bức tranh, bé đã vẽ thêm các vòng tròn màu đen ở dưới chân tòa nhà.
- Đây là gì vậy cháu?
- Đó là đệm lò xo ạ!
- Tại sao lại có đệm lò xo ở đây?
- Để lần sau, khi mọi người phải nhảy xuống từ tòa tháp thì họ sẽ được an toàn.
Một cậu bé 5 tuổi, nhân chứng của một thảm hoạ, đã dùng trí tưởng tượng của mình để xử lý những gì em đã chứng kiến và cũng là để tiếp tục sống cuộc đời bình thường của mình. Nhưng những người bị sang chấn thì ngược lại, họ không xử lý được những trải nghiệm của mình như Noam mà có thể bị mắc kẹt hoàn toàn trong quá khứ. [1]
Với cùng một sự kiện sang chấn, mỗi cá nhân sẽ có những trải nghiệm và chịu ảnh hưởng về mặt thể chất lẫn tinh thần theo các cách khác nhau. Ba chữ E, cũng là 3 yếu tố chính trong khái niệm về sang chấn sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về điều này. [2][3]
1. Event – Sự kiện sang chấn
Sang chấn có thể bao gồm việc trải nghiệm trực tiếp hoặc chứng kiến một sự kiện nguy hiểm hoặc mang tính đe dọa. Các sự kiện được coi là sang chấn khi chúng vượt quá khả năng đối phó của một cá nhân và gợi lên những cảm xúc mãnh liệt như sợ hãi, kinh hoàng, bất lực, vô vọng và tuyệt vọng. Các sự kiện gây sang chấn có thể khác nhau về cường độ và thời gian kéo dài, nó có thể là:
- Bị lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục
- Bị cưỡng hiếp
- Chứng kiến hoặc trải qua bạo lực gia đình
- Bạo lực học đường
- Thiên tai, hỏa hoạn
- Chiến tranh, khủng bố
- Phân biệt chủng tộc, kỳ thị và áp bức
- Cái chết hoặc sự xa cách đột ngột của người thân
- Sống với người chăm sóc bị rối loạn sức khỏe thâm thần nghiêm trọng
- Trẻ em bị bỏ mặc trong thời thơ ấu
2. Experience – Trải nghiệm sang chấn
Mỗi người phản ứng khác nhau với các sự kiện sang chấn, tùy thuộc vào loại sang chấn, mức độ nghiêm trọng, thời gian và tần suất của sự kiện. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm sang chấn của mỗi cá nhân bao gồm: vấn đề sức khỏe hiện tại, cơ chế ứng phó và khả năng xây dựng sức đề kháng, khả năng thích nghi tốt khi đối mặt với nghịch cảnh hay còn gọi là sự kiên cường. Những cá nhân có mối quan hệ gia đình chặt chẽ, mạng lưới xã hội rộng lớn, kết nối với cộng đồng, nơi làm việc hoặc có niềm tin tôn giáo hoặc văn hóa mạnh mẽ thường có khả năng phục hồi tốt hơn và có khả năng ứng phó tốt hơn với sự kiện gây sang chấn. [4]
3. Effect - Ảnh hưởng của sang chấn
Sang chấn có tác động sâu rộng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống và hoạt động chung của một cá nhân. Việc trải nghiệm sang chấn có thể gây ra những khó khăn về mặt cảm xúc, hành vi và thể chất trong thời gian dài. Cá nhân có thể trở nên cảnh giác cao độ khi liên tục sống trong trạng thái phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy; họ có thể chạy trốn khỏi các yếu tố kích hoạt sang chấn bằng cách tự cô lập xã hội hoặc tách biệt, hoặc ngược lại có thể nhanh chóng phản ứng với các mối nguy hiểm nhận thức được bằng sự hung hăng, bạo lực, giận dữ và đe dọa. Họ có thể phát triển các chiến lược ứng phó mang tính bảo vệ tại thời điểm xảy ra sự kiện sang chấn nhưng theo thời gian chúng trở nên không thích nghi, chẳng hạn như hành vi tự làm hại bản thân, sử dụng chất gây nghiện hoặc rối loạn ăn uống. Họ thường gặp khó khăn trong việc đánh giá rủi ro đối với bản thân hoặc con cái, khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc và giúp con cái điều chỉnh cảm xúc. Một số người phát triển các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm hoặc lo âu như một hệ quả của sang chấn. Bên cạnh đó, việc trải qua sang chấn trong thời thơ ấu có thể liên quan đến các biến chứng về sức khỏe thể chất khi trưởng thành, bao gồm bệnh tim và ung thư. Hơn nữa, sang chấn có thể gây ảnh hưởng đến khả năng cảm thấy an toàn của một người, khả năng tin tưởng của người đó đối với người khác trong các tương tác liên cá nhân trong cuộc sống.
Cho dù bạn đã trải qua sự kiện sang chấn nào, nếu một cá nhân nhận thấy rằng mình gặp khó khăn trong việc phục hồi sau những sự kiện đau thương, hay cảm giác mắc kẹt trong những trải nghiệm sang chấn, điều cần làm là hãy tìm đến sự hỗ trợ tâm lý kịp thời, một người có thể đồng hành cùng bạn trên hành trình hàn gắn và giúp bạn quay về một cuộc sống trọn vẹn hơn.
Tìm hiểu về thêm khái niệm sang chấn, mức độ phổ biến của sang chấn cũng như phân loại sang chấn (xem bài viết tại ĐÂY).
Người viết: Cháo Team
Nguồn tham khảo:
[1] Bessel Van Der Kolk (2019) Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành. NXB Thế giới.
[2] https://www.ncsc.org/__data/assets/pdf_file/0034/77677/Trauma-and-Trauma-Informed-Responses.pdf
[3] SAMHSA's Concept of Trauma and Guidance for a Trauma-Informed Approach
[4] American Psychological Association, Building Your Resilience, https://www.apa.org/topics/resilience
Add comment
Comments