Mình đã xem Forrest Gump vài lần, lần nào cũng cố lý giải tại sao Jenny và Forrest Gump không thể đến với nhau và sống hạnh phúc mà không cần phải chờ đến lúc bệnh tật và cái chết xảy đến với Jenny. Trái với một Forest đơn thuần và nhất quán, Jenny đầy bất an và mâu thuẫn. Cả cuộc đời cô là những cuộc chạy trốn, chạy khỏi ngôi nhà nơi tuổi thơ bị bố đẻ bạo hành và lạm dụng, lớn lên cô cũng luôn chọn cách là người rời đi, dù là trên xe buýt hay lúc nửa đêm, để lại Forrest một mình. Jenny đẩy mình vào một cuộc sống phức tạp, từ việc làm ca sĩ cho câu lạc bộ thoát y, cho đến cuộc sống lang bạt theo kiểu Hippie hay kể cả là lạm dụng ma túy và sống cùng người bạn trai vũ phu, từ chối và chạy trốn khỏi tình yêu của Forrest.
Khác với suy nghĩ của nhiều người, mình vẫn cho rằng không phải vì Jenny không yêu Forrest, cũng không phải vì cô là một cô gái tồi và ích kỷ chính hiệu, mà có thể rằng cô không dám thừa nhận và đón nhận một tình yêu đầy sự tin tưởng và vô điều kiện từ Forrest. Từ góc nhìn tâm lý học, ta có thể hiểu và cảm thông với Jenny hơn từ hai khái niệm “Gắn bó” (Attachment) và “Trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu” (Adverse Childhood Experiences – ACE) được trình bày dưới đây.
Khái niệm “gắn bó” đề cập đến mô hình mối quan hệ mà chúng ta có với cha mẹ hoặc người chăm sóc khi còn nhỏ. Đây là mối liên kết tình cảm hình thành giữa cha mẹ và con cái từ khi mới sinh và có tác động rất lớn đến sự phát triển của chúng ta. Cách cha mẹ hoặc người chăm sóc phản ứng với con cái sẽ ảnh hưởng đến phong cách gắn bó của trẻ. Phong cách gắn bó này trở thành khuôn mẫu cho cách chúng ta xây dựng các mối quan hệ trong tương lai với những người khác trong cuộc sống của mình và cũng là khuôn mẫu cho cách chúng ta cảm nhận về bản thân và những người khác. Nếu chúng ta đã trải qua mối quan hệ tích cực với cha mẹ hoặc người chăm sóc, chúng ta sẽ phát triển một khuôn mẫu tích cực cho các mối quan hệ khác cũng như những cảm xúc tích cực về bản thân và những người khác và ngược lại.
Jenny mất mẹ từ lúc 5 tuổi, 2 chị em cô sống với bố, bị bạo hành và lạm dụng từ khi còn nhỏ đã hình thành nên trong cô một phong cách gắn bó không an toàn, cô mang theo nỗi bất an và mâu thuẫn đấy để đi tìm chính mình trong cách mối quan hệ không lành mạnh, không cho phép mình được yêu thương, chăm sóc, dù trong lòng khao khát được yêu thương.
Những trải nghiệm tiêu cực mà Jenny có lúc bé còn được gọi là “trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu”.
Trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu bất lợi (ACE) là “những sự kiện hoặc tình huống cực kỳ căng thẳng và có khả năng gây sang chấn xảy ra trong thời thơ ấu và/hoặc thanh thiếu niên. Chúng có thể là một sự kiện đơn lẻ hoặc là mối đe dọa kéo dài đối với sự an toàn, cảm giác được bảo vệ, lòng tin hoặc toàn vẹn cơ thể của trẻ” (Young Minds, 2018).
ACE có thể là: [2]
- Trải qua bạo lực, lạm dụng (thể chất, tình cảm, tình dục) hoặc bị bỏ mặc (thể chất, tình cảm)
- Chứng kiến bạo lực trong gia đình hoặc cộng đồng
- Có thành viên gia đình cố gắng hoặc chết do tự tử
- Lớn lên trong một gia đình có: Vấn đề về nghiện chất; vấn đề về sức khỏe tâm thần; bất ổn do cha mẹ chia tách; bất ổn do có thành viên trong gia đình phải vào tù
Tương tự như những mối liên hệ gắn bó đầu đời, việc trải nghiệm ACE có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi cá nhân trong tương lai, và thường thì những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu sẽ là những rào cản đối với việc hình thành các mối quan hệ gắn bó lành mạnh cho trẻ. Một số tác động về sức khỏe thể chất và tinh thần có thể kể đến như: [3]
- Tăng nguy cơ mắc một số vấn đề về sức khỏe nhất định ở tuổi trưởng thành như ung thư, bệnh tim,...
- Tăng nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như: bạo lực và trở thành nạn nhân của bạo lực, lo âu, trầm cảm và căng thẳng hậu sang chấn
- Một cá nhân trải nghiệm ACE càng lâu và càng nhiều loại ACE thì tác động của nó đến sự phát triển và sức khỏe của họ càng lớn
Những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu dường như đã trở thành một vết thương khắc sâu trong lòng Jenny. Tình yêu chân thành và kiên định của Forrest, ít nhiều đã giúp hàn gắn nó. Tôi vẫn tin rằng Jenny đã có những ngày tháng cuối đời thực sự hạnh phúc đúng nghĩa. Và nếu ai đó trong số chúng ta không may có một tuổi thơ không êm đềm trọn vẹn, thì không có nghĩa là chúng ta sẽ không thể có một cuộc sống hạnh phúc về sau, chỉ cần giữ niềm tin rằng, những vết thương có thể được hàn gắn, bằng tình yêu thương, bằng sự chấp nhận, bằng lòng trắc ẩn, trước tiên với chính bản thân mình.
Người viết: Cháo Team
Nguồn tham khảo:
Add comment
Comments